Việt Nam là quốc gia đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu chè, nhưng khoảng 90% sản lượng chè của nước ta xuất khẩu ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu. Trong bối cảnh cung vượt cầu, nếu không nâng cao giá trị xuất khẩu, ngành chè sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Nhiều bất cập trong sản xuất, chế biến
Năm 2018, sản lượng chè xuất khẩu của nước ta đạt 128.000 tấn, trị giá đạt 219 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 3,4% về trị giá so cùng kỳ năm 2017. Mặc dù là một trong những nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới nhưng từ nhiều năm qua, giá xuất khẩu chè của nước ta chỉ bằng 60 – 70% so với các nước, do chất lượng sản phẩm chè chưa cao. Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, nguyên liệu chè cung cấp cho các nhà máy chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Có tới 70% số lượng giống chè của Việt Nam chỉ phù hợp cho chế biến chè đen, tỷ lệ giống cho chế biến chè xanh và các chè khác chỉ chiếm 30%. Vì cơ cấu giống chưa hợp lý cho nên hiện nay chè đen vẫn là sản phẩm chủ lực xuất khẩu của Việt Nam với 55% sản lượng, chè xanh chiếm 44%, các loại chè khác chỉ chiếm 1%. Trong khi đó, cơ cấu giống chè của thế giới thì ngược lại, giống chuyên chế biến chè đen chỉ chiếm xấp xỉ 10%; giống chế biến được cả chè đen và chè xanh chiếm 44,2%; giống chuyên chế biến chè xanh chiếm 21,2%; giống cho chế biến chè ô-long và các chè cao cấp khác chiếm gần 25%. Con số nêu trên cho thấy số lượng chè chất lượng cao của Việt Nam còn rất thấp, nước ta chủ yếu xuất khẩu chè đen dưới dạng nguyên liệu thô, giá bán thấp. Thêm vào đó, việc sản xuất manh mún cũng ảnh hưởng lớn tới chất lượng sản phẩm. Cụ thể, sản xuất chè trong nông hộ chiếm gần 65% về diện tích, quy mô sản xuất nhỏ bình quân khoảng 0,2 ha/hộ. Ðiều này khiến cho chất lượng sản phẩm chè của nước ta không đồng đều, rất khó để đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
Khâu chế biến, tiêu thụ chè hiện nay cũng còn tồn tại nhiều bất cập. Năm 2018, tổng lượng chè xuất khẩu cả nước chỉ có 128 nghìn tấn, trị giá 219 triệu USD nhưng lại có đến hơn 300 đơn vị và cá nhân tham gia vào việc xuất khẩu tới hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ðiều này dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, thậm chí làm rối loạn thị trường xuất khẩu, không kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm. Ở một số địa phương mặc dù các nhà máy chè lớn đã được quy hoạch vùng nguyên liệu, nhưng nhiều nơi vẫn cho phép xây thêm cơ sở sản xuất nhỏ, thậm chí còn xây dựng ngay trong vùng nguyên liệu của nhà máy lớn, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu. Hệ quả, các doanh nghiệp mua nguyên liệu tự do, mua xô không theo phẩm cấp phân loại và không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu đầu vào. Tình trạng thu gom nguyên liệu qua nhiều khâu trung gian không những làm tăng giá đầu vào mà còn kéo dài thời gian bảo quản, làm giảm chất lượng nguyên liệu, tăng chi phí đầu tư, nhân công trong khâu chế biến, giảm chất lượng chè thành phẩm.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Nguyễn Hữu Tài cho rằng, muốn nâng cao chất lượng sản phẩm phải hình thành được các vùng sản xuất tập trung, đưa người dân vào sản xuất trong mối liên kết có tổ chức như hợp tác xã, tổ hợp tác. Một số địa phương như Hà Tĩnh, Lào Cai, Lai Châu đã tiến hành chia vùng nguyên liệu chế biến cho các doanh nghiệp, nhờ vậy ở một số mô hình giữa doanh nghiệp và người nông dân đã tạo được sự liên kết chặt chẽ. Doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, người dân yên tâm về đầu ra và được hỗ trợ về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật để sản xuất ra chè đạt chất lượng cao…
Ðể nâng cao giá trị chè xuất khẩu phải từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó mới có cơ sở tăng giá bán. Theo Cục Trồng trọt, muốn làm được điều này ngành chè phải kiểm soát được chất lượng vật tư đầu vào như giống, phân bón và nhất là thuốc bảo vệ thực vật. Kiên quyết chấm dứt tình trạng các lô hàng bị trả về do tồn dư thuốc BVTV nằm trong danh mục thuốc không được phép sử dụng của nước nhập khẩu. Cùng với đó, các địa phương phải khẩn trương nâng tỷ lệ chè xanh chất lượng cao từ 15% hiện nay lên 30 đến 40% vào năm 2020. Phấn đấu 100% số cơ sở sản xuất chè được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Chỉ xem xét cấp phép đầu tư, xây dựng mới và mở rộng nhà máy chế biến chè với những nhà máy được đầu tư công nghệ hiện đại và có vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy. Cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác phát triển sản xuất chè an toàn, kết hợp chuyển đổi giống mới, thâm canh, nâng cao chất lượng chè, có hiệu quả và bền vững; rà soát, cập nhật, xây dựng và ban hành quy trình sản xuất chè an toàn để người dân dễ áp dụng. Cùng với đó, thí điểm xây dựng vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm để tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm.