Dược liệu quý: Trà tím Phú Thọ

Người ta kể rằng, trước đây ở Nhật Bản đã có một báo cáo gây chấn động về cây trà gọi là trà búp tím. Đó là khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật năm 1945, cứ nơi nào trồng trà búp tím nhiều thì ở đó lượng phóng xạ ít hơn hẳn những nơi khác.

Những cây trà búp tím ở núi Chiêu Lầu Thi, Hà Giang đã được Công ty cổ phần trà Bách Shan Hà Giang (Bashtea) chế biến theo dây chuyền công nghệ hiện đại của Đài Loan và bán với giá 2.400.000 đồng/kg. Ảnh: Trần Lê Trung
Trà búp tím vì thế vốn được người Nhật Bản và Trung Quốc tôn sùng vì có chất chống tia phóng xạ, giàu antoxian chống oxy hóa, thường dùng trong các loại thuốc chữa bệnh, phòng chống ung thư. Một trong những cái nôi của cây trà búp tím ở Việt Nam là tỉnh Phú Thọ.
“THẦN DƯỢC” CHỮA UNG THƯ
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi lên gò Núi Trưởng, khu 4, xã Thái Ninh, huyện Thanh Ba, Phú Thọ để tìm những cây trà có “ngọn màu tím giống như màu mận chín, cuống lá non màu đỏ, có khi búp lá cũng đỏ hoặc tím.”
Ông Bùi Văn Phi, nay đã gần 80 tuổi, dẫn tôi lên đồi xem những cây trà búp tím của gia đình, những cây trà gốc xù xì mọc xen lẫn dưới tán keo. Giống trà này có đặc điểm là lá nhỏ, mỏng, thuôn dài, lá và búp màu tím, mặt trên của lá tím nhạt sau chuyển thành xanh, mặt dưới tím đậm.Mấy chục gốc trà cổ còn lại đến ngày nay mọc tự nhiên như cây rừng.
Việc thu hái lúc làm, lúc không, chủ yếu là chế biến thủ công để sử dụng trong gia đình, bán cho khách đặt trước hoặc dùng làm quà biếu. Theo ông Phi, trà búp tím có màu nước vàng sánh, vị đượm, được nước, sau 5 – 7 lần châm nước vẫn giữ được vị trà. Được làm hoàn toàn thủ công nên trà búp tím có vị hơi chan chát, đăng đắng, sau đó là vị ngọt dần mà các loại trà khác không có được. Ước tính, những gốc trà búp tím nhà ông Phi đã hơn 100 năm.
TS Nguyễn Văn Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, đã có hơn 30 năm gắn bó với cây trà cho biết: Trà búp tím có từ lâu đời, phân bố chủ yếu ở hai tỉnh Phú Thọ và Thái Nguyên, là một trong hai biến chủng của giống trà trung du nên phát triển ổn định, thích nghi với đất nghèo dinh dưỡng của vùng đồi, thời tiết khắc nghiệt, khô hạn, sâu bệnh.
Theo phân tích của Viện nghiên cứu trà Kenya, với 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu các giống trà tím cho thấy, trong búp và lá trà tím có nồng độ chất chống oxy hóa cao hơn các giống trà khác. Trên thế giới, người ta đã tách chiết các chất chống oxy hóa trong trà búp tím làm chất bảo quản thực phẩm và thuốc bồi bổ sức khỏe.
Ông Ngọc nhấn mạnh: “Giống chè trung du búp tím quý hiếm này nếu được phát triển sẽ tạo ra một thương hiệu riêng, một loại chè đặc biệt cao cấp không chỉ sử dụng làm nước uống mà còn có tác dụng trong y học phòng chữa một số bệnh, đặc biệt ngăn ngừa phóng xạ, chống ung thư.”
Từ bao đời nay, người dân ở các tỉnh trung du thường hái lá trà nói chung, trà búp tím nói riêng để đun nước tắm cho trẻ sơ sinh và tắm rửa cho phụ nữ mới sinh. TS Dương Trung Dũng, khoa nông học, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, chủ nhiệm đề tài “Khai thác và phát triển cây chè trung du búp tím”, cho biết: “Khi phân tích thành phần hóa học, chúng tôi nhận thấy hàm lượng catechin trong chè tím cao hơn nhiều so với chè xanh. Đây là chất có tác dụng ngăn ngừa, đào thải, kìm hãm chất gây ung thư, giảm kích thước khối u, chống phóng xạ.”
CẦM VÀNG MÀ ĐỂ VÀNG RƠI
Trà búp tím có giá bán khá cao. Trong khi trà trung du loại thường có giá 60.000 đồng/ kg – 70.000 đồng/kg, loại ngon giá 100.000 đồng/kg – 120.000 đồng/kg thì trà búp tím có giá khoảng 500.000 đồng/kg đối với trà Thái Nguyên và 800.000 đồng/kg với trà Phú Thọ.
Đặc biệt là những cây trà shan búp tím hàng trăm năm tuổi mọc hoang dã trên núi Chiêu Lầu Thi (xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Sù Phì, tỉnh Hà Giang; cao 2.402 m so với mực nước biển, thuộc dãy Tây Côn Lĩnh, là ngọn núi cao thứ hai của Hà Giang) đã được Công ty cổ phần trà Bách Shan Hà Giang (Bashtea) chế biến theo dây chuyền công nghệ hiện đại của Đài Loan và bán với giá 2.400.000 đồng/kg. Ấy thế nhưng ở Phú Thọ, người dân lại phá trà búp tím để trồng trà lai.
Trà búp tím chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích trà trung du và 0,2% – 0,3% diện tích trồng trà nói chung của tỉnh Phú Thọ. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có 4.747 ha trà trung du, chiếm 28,6% diện tích trà toàn tỉnh. Trong đó, trà búp tím chỉ chiếm 30 ha – 50 ha, phân bố chủ yếu ở xã Thái Ninh, xã Hanh Cù của huyện Thanh Ba và diện tích trồng không tập trung.
Những cây trà búp tím cổ nhất ở Phú Thọ là khoảng 100 tuổi gồm gần 70 cây cao từ 1m – 1,5m, đường kính thân từ 10cm – 20cm, dáng tán xòe như chiếc ô, đường kính từ 0,8m – 1,5m, chủ yếu tập trung tại gò Bằng, gò Núi Trưởng, xã Thái Ninh.
Đáng buồn là nhiều cây trà búp tím cổ bị bứng gốc làm cây cảnh, nhiều diện tích trà búp tím mới trồng bị chặt bỏ để thay thế bằng các giống trà lai hay cây trồng khác.
Ông Trần Xuân Hoàng, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chè (Viện khoa học nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) lý giải: Trà búp tím chủ yếu được trồng bằng hạt nên năng suất và chất lượng chưa ổn định. Năng suất trung bình là 5-6 tấn/ha – thấp hơn rất nhiều so với mức 8-12 tấn/ha của các giống trà mới như LDP1, LDP2, kim tuyên… Mặt khác, việc canh tác và chế biến của người dân địa phương vẫn theo phương thức thủ công, quy mô nhỏ nên sản phẩm chưa có tính hàng hóa cao.
Ngoài yếu tố năng suất, còn một nguyên nhân nữa khiến giống trà này không được phát triển là màu sắc của nước. “Nói đến chè, mọi người thường nghĩ nước pha ra phải xanh, trong khi nước chè búp tím lại có màu đỏ, không bắt mắt, người tiêu dùng không chấp nhận nên chỉ một số hộ gia đình còn đất vẫn lưu lại trồng và bán chứ không mở rộng được,” ông Dũng phân tích.
Trước nguy cơ biến mất của giống trà búp tím trung du, từ năm 2003, UBND xã Thái Ninh đã đề nghị khôi phục, bảo tồn nguồn gene giống trà này và phát triển thương hiệu sản phẩm trà, tạo vùng trà đặc sản cho huyện và tỉnh.
UBND huyện Thanh Ba cũng triển khai đề tài “Nghiên cứu đánh giá năng suất, chất lượng và giải pháp phục hồi giống chè trung du búp tím”. Sau ba năm, nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn được 200 cây trà trung du búp tím bố mẹ tại gò Bằng, gò Núi Trưởng và tiến hành lấy hom trên cây trà bố mẹ ươm và nhân giống được 2 ha.
Theo nhóm nghiên cứu, trà trung du búp tím không thua kém, thậm chí nếu chăm sóc tốt còn cho năng suất cao hơn trà trung du búp xanh đang cùng trồng tại Thanh Ba. Chất lượng nguyên liệu và sản phẩm trà xanh làm từ trà trung du búp tím tốt hơn trà trung du búp xanh và các giống khác. Khôi phục và phát triển trà trung du búp tím là việc làm cấp thiết, không chỉ đa dạng hóa mặt hàng trà, có đặc sản “Chè xanh búp tím Thái Ninh – Thanh Ba” mà còn bảo tồn quỹ gene giống trà của quốc gia…
Để bảo tồn và phát triển giống trà quý hiếm này, ông Hoàng còn đề xuất hướng nghiên cứu chiết tách các thành phần hóa học trong trà búp tím để cung cấp cho các công ty dược làm thực phẩm chức năng.

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *